“Lập nghiệp ở Mỹ khiến mình muốn xây dựng một cộng đồng để hỗ trợ các bạn đi sau, nhất là xây dựng mạng lưới các mối quan hệ và ‘học cách học’”
Chau Vu - Co-founder, Career Coach @ TechCare Coaching
Mình bắt đầu hành trình tại Mỹ ở đại học MIT (Massachusetts Institute of Technology) với chuyên ngành Hóa Sinh. Trong suốt ba năm đầu đại học, với đam mê và kiến thức nền từ thời học chuyên Hóa ở chuyên Khoa học Tự nhiên, mình miệt mài làm nghiên cứu ở phòng Lab của trường. Tuy nhiên, sau đó mình dần nhận ra cơ hội nghiên cứu và việc làm ở ngành này không quá rộng mở cho sinh viên quốc tế.
Lúc đó tất cả những gì mình biết về Computer Science là đây là một ngành có nhiều cơ hội và nhu cầu tuyển dụng cao. Mình “đánh liều” rẽ hướng dù đã học Hóa sinh đến năm ba. May mắn, ngay trong mùa đông năm đó, mình nhận được công việc thực tập đầu tiên dù mới chỉ học hai lớp căn bản. Mình tốt nghiệp bằng Khoa học máy tính từ MIT với một vài offers tốt, và theo đuổi lĩnh vực công nghệ tới giờ.
10 năm “lăn lộn” xây dựng sự nghiệp ở Mỹ, mình cũng gặp không ít khó khăn. Là một du học sinh với gánh nặng tiền ăn tiền học, ngay tuần đầu tiên nhập học, mình đã lập tức xuống Văn phòng Sinh viên quốc tế để tìm hiểu công việc làm thêm tại trường. Suốt 4 năm học, gần như lúc nào mình cũng vừa học vừa làm, thậm chí làm đến 20 đến 40 tiếng một tuần. Việc học trong một môi trường có các bạn vô cùng giỏi như MIT cũng là một thử thách khiến mình phải cố gắng rất nhiều và có một tâm lý thật vững để có thể “trụ được”.
Khi đã đi làm, dù làm ở big tech và công ty cũng rất hỗ trợ, tuy nhiên là một “international worker” và là một “women in tech” nữa, mình vẫn có những rào cản nhất định, nhất là trong giai đoạn mình vừa sinh con. Có những ngày mình tụt dốc cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, nhưng đều phải cố gắng vì không muốn mình tụt lại trên con đường sự nghiệp. Cũng may mình cũng được chồng hỗ trợ rất nhiều vì anh cũng làm trong ngành tech. Tất cả những thử thách đó khiến mình phải đẩy bản thân ra khỏi giới hạn, và dần học cách “ép mình” trở nên hiệu quả hơn, xử lý được nhiều công việc trong thời gian ngắn hơn.
Mình nhận ra mình cũng giống rất nhiều bạn ở Việt Nam, mình gần như không có mentor, định hướng nghề nghiệp đúng đắn từ sớm, cũng như cách học, cách nghiên cứu cũng chưa thật sự hiệu quả thời gian đầu. Vì vậy, khi vào một môi trường mới hoặc đứng trước một thử thách lớn, mình có thể không có đủ kiến thức và kinh nghiệm để vượt qua. Sau này khi đã có những thành tựu nhất định, mình dành ra mấy năm để mentor các em và tạo ra môi trường để các bạn network với nhau. Trước đây mình cũng không biết giá trị của network nhiều như thế nào đâu, nhưng sau này đi làm, đôi khi có những side projects hoặc những mảng mình không biết hỏi ai. Lúc đó mới nhận ra những người mình biết từ hồi trước, chơi với nhau lâu và biết rõ tính nhau để tin tưởng làm việc cùng đáng quý thế nào.
Mình muốn tạo ra một cộng đồng như thế, một môi trường để các em khoảng độ 5 - 10 năm sau, hoặc vài năm tới, nếu muốn apply đi học master, apply công việc, hoặc cần làm một project nào đó, các em sẽ biết tìm được người mentor mình cần để hỏi và được giúp đỡ. Mình cũng nhận ra có những kỹ năng rất quan trọng và nó đã giúp mình “sống sót” trong tech industry. Những kỹ năng như “học cách học” (learning how to learn) hay kỹ năng giao tiếp và truyền đạt ý tưởng. Mình có thể nghĩ nó chỉ là “kỹ năng mềm” và không quan trọng, nhất là với các bạn làm trong lĩnh vực kỹ thuật, nhưng thực chất không phải. Để có thể phát triển tốt trong thế giới tech, một thế giới mỗi ngày một thay đổi với những công nghệ mới, biết cách học, và học sao cho hiệu quả là rất quan trọng.
Mình muốn bình thường hóa việc là một du học sinh, hay một phụ nữ theo đuổi những ngành về STEM trên đất Mỹ, các bạn có thể gặp nhiều khó khăn. Nhưng nếu những câu hỏi và những câu trả lời như vậy không ai nói đến, xã hội sẽ không biết những vấn đề này và sẽ khó có những cách hỗ trợ các bạn. Mình xây dựng Techcare Coaching cũng vì vậy. Mình muốn mentor các bạn một cách hiệu quả và có hệ thống hơn, và truyền tải thông điệp của mình một cách mạnh mẽ hơn. Mình không muốn các bạn bị áp lực hay tự ti rằng “mình không đủ giỏi” để theo đuổi ngành này, bởi mình tin việc có giỏi hay không đó là do kỹ năng của các bạn, mà kỹ năng thì luôn học được, “every skill can be learned.”