“Mình thấy buồn vì lập trình viên nữ đang bị trả lương thấp hơn lập trình viên nam”
Hằng Lê - Software Engineer tại Elekta (Phần Lan)
Kỳ mùa xuân 2017 là kỳ cuối cùng mà chính phủ Phần Lan vẫn miễn phí học phí cho tất cả sinh viên trong hay ngoài EU, mình may mắn biết tin này nên mình ôn thi, rồi đậu và đi học. Hồi ấy mình thi hai ngành là Business Management và IT, và chọn học BM. Tuy nhiên, học mới được một tháng thì mình thấy không phù hợp, lên lớp mà ngủ gà ngủ gật. Mình mới nghĩ “Không lẽ mình bỏ ĐH Ngoại Thương, bỏ gia đình, bạn bè ở Việt Nam để đi du học mà mình lên lớp đi ngủ vầy thôi sao?”. Thế là mình lên hỏi thầy trưởng khoa về chuyện chuyển ngành sang ngành IT, thầy nói em đã thi đậu rồi thì việc chuyển ngành cũng không có gì trở ngại, đặc biệt là ở Phần Lan. Hành trình nghề dev của mình cũng bắt đầu từ đây.
Hai năm đầu thì mình đi học đúng kiểu dân Việt Nam đi du học á. Đi học là chép bài đầy đủ, chăm chỉ phát biểu, thi là điểm phải cao :)). Đến năm 3, mình bắt đầu xin đi intern, may mắn là một công ty Phần Lan (Haahtela) nhận mình luôn. Mình nhớ tới tận bây giờ câu chuyện phỏng vấn xin việc lần đầu tiên, vì thực ra vị trí mà mình apply vào thì họ đã tìm được người rồi. Tuy vậy, họ nhận mình vì họ thích cái cách trả lời phỏng vấn của mình, cách mình thể hiện rằng bản thân là người ham học hỏi với can-do attitude, và sự nhiệt huyết của mình trong cuộc nói chuyện ấy. Cuối cùng họ quyết định đã tạo ra một vị trí trainee để tuyển mình vào. Đó cũng là một bài học về phỏng vấn với mình: first impression cực kỳ quan trọng, và sự nhiệt thành trong buổi phỏng vấn có khả năng bù đắp cho sự thiếu kinh nghiệm của mình :) Làm ở Haahtela gần 3 năm, thì mình chuyển qua công ty hiện tại - Elekta.
Cá nhân mình nhận thấy việc có mentor rất quan trọng, nhất là trong ngành tech. Vì thời gian đầu, đôi khi mình gặp bug, search Google có khi 2-3 ngày vẫn chưa tìm được solution, vì mình không biết search keyword gì, không biết vấn để nằm ở đâu để sửa. Nhưng sau này mình may mắn có một người mentor xịn, có nhiều kinh nghiệm làm việc hơn, khi mình stuck, họ gợi ý và chỉ mình đi đúng hướng, giúp mình tiết kiệm rất nhiều thời gian và có thêm nhiều động lực để tiếp tục code. Theo mình, một yếu tố quan trọng trong việc học lập trình và phát triển kĩ năng lập trình trong môi trường làm việc nhóm, là kĩ năng đặt câu hỏi và dám hỏi khi cần (aka không giấu dốt 😀). Thông thường trước khi đi hỏi ai đó, thì mình đều cố gắng research trong khả năng, và trình bày rõ câu hỏi của mình. Ví dụ như mình đang làm dự án A, làm tới bước B, thì xảy ra lỗi CDE, mình đã search XYZ nhưng chưa giải quyết được, thì sẽ hỏi mentor hoặc đồng nghiệp xem họ có ideas hoặc suggestions nào không. Tại vì nếu mình hỏi những câu đã có sẵn trên Google thì mình nghĩ nó thể hiện sự thiếu tôn trọng mentor hoặc đồng nghiệp, làm phí thời gian của họ. Mà phụ nữ làm trong ngành tech, mình thấy có khá nhiều thiệt thòi và bất công. Có một sự thật đáng buồn trong ngành tech đó là cùng vị trí, năng lực như nhau, nhưng thường kỹ sư nam sẽ được trả lương cao hơn kỹ sư nữ. Trong một survey gần đây ở một công ty công nghệ tại Phần Lan, kết quả cho thấy kỹ sư nam đang được trả lương cao hơn kỹ sư nữ từ 3-5000EUR/năm ở cùng một vị trí và khối lượng công việc. Mình nghĩ sự phân biệt đối xử này không chỉ làm tổn thương lòng tự trọng, ảnh hưởng đến phát triển sự nghiệp của các lập trình viên nữ, mà còn góp phần vào sự thiếu vắng đại diện của phụ nữ trong ngành tech nữa. Team mình 12 người thì chỉ có mình duy nhất là nữ, nhiều hồi các bạn trong team nói chuyện về chủ đề xe cộ, game online,… là mình không thể nào engage vào được, lắm lúc cũng thấy “cô đơn”. Ngay cả công ty hiên tại của mình thì tỉ lệ nữ chỉ chiếm đâu đó dưới 30% thôi. Rõ ràng nếu không có sự công bằng và cân bằng giữa nam và nữ, chúng ta sẽ mất đi cơ hội để tận dụng tài năng và năng lực của một nửa dân số trong ngành tech rồi.
Chưa kể đến việc phụ nữ lại gặp phải rất nhiều định kiến xã hội khi làm ngành tech. Hồi xưa còn đi học ĐH, về quê mấy bác hỏi “Con đi du học ngành gì?”, “dạ CNTT”, “trời ơi con gái chuyên Anh mà học được ngành CNTT luôn hả, giỏi quá vậy con?”. Nghe xong lời “khen” này, mình cũng không biết nên vui hay buồn, vì định kiến về con gái học CNTT vẫn còn rất nặng nề. Hồi xưa ngay cả mẹ mình cũng hay nói là thôi mình là con gái mình không có làm được mấy ngành này đâu con, không giỏi bằng tụi con trai đâu. Mà những điều này nghe nhiều lại trở thành niềm tin, mình cũng từng nghĩ là chắc mình không theo IT nổi đâu, thôi cứ học cho lấy cái bằng cái đã. Sau này đã đi làm được một thời gian, mình mới dần thay đổi mindset. Tại sao người nữ đi học IT thì lại được xem là đặc biệt, trong khi ai cũng học được ngành này mà, bộ não của con gái cũng đâu thua gì con trai đâu, tư duy logic và khả năng giải quyết vấn đề không phụ thuộc vào giới tính. Mình đã từng gặp rất nhiều chị và bạn nữ người Việt làm việc rất giỏi trong ngành này. Dù ở môi trường nước ngoài nhiều cạnh tranh (với cả dân bản xứ và các bạn từ khắp mọi nơi trên thế giới), các chị vẫn nắm giữ những vị trí quản lý quan trọng trong công ty. Mình nghĩ niềm tin rằng con gái khó có thể học và làm trong ngành tech đã ăn sâu vào niềm tin của rất nhiều người, và nó rõ ràng không chính xác.
Phụ nữ mình gặp rất nhiều trở ngại trong ngành tech, cho nên muốn cho đàn em, hay con cháu của mình được phát triển trong một môi trường bình đẳng hơn, mình muốn làm gì đó. Mình rất muốn đánh tan những định kiến như phụ nữ thì không làm IT được, không giỏi trong IT hoặc là phụ nữ không bằng đàn ông trong ngành được. Mình cũng đang ấp ủ một dự án về Women in tech, với hi vọng mời những chị đã làm việc trong ngành lâu năm để cùng nhau thảo luận và xây dựng community. Nếu bạn muốn kết nối với một người làm tech ở EU, hay muốn cùng mình brainstorm về Women in tech community thì đừng ngần ngại liên hệ mình nhé!