“Nỗi sợ lớn nhất của dev bây giờ: sợ bị layoff”
Tùng Quân - Senior Software Engineer tại PayPay Corporation (Japan)
Năm 2009 mình qua Sing du học chương trình polytechnic, tương tự như học cao đẳng ở VN thôi, chuyên ngành Computer Engineering. Mình nhớ mãi lúc phỏng vấn công việc đầu tiên cho một công ty chuyên làm về mạng, ông sếp hỏi “Giờ công ty tao đang tuyển lập trình viên, mày có muốn thử không?”. Mình bảo: “Ừ cũng được, nhưng mà tao không biết gì đâu, không biết code các thứ, mày chịu tuyển thì tao chịu học, chứ tao chẳng biết gì đâu.” Thế là ông ấy giao cho bài tập về làm thử, làm được nên bắt đầu nghề lập trình viên từ con số 0 như vậy đó.
Làm ở Sing được thời gian, mình nhận ra ở đây khá trọng bằng cấp, mức lương thường được phân bổ theo bằng cấp, ví dụ như mặc dù mình có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng cao đến đâu, mà mình chỉ có bằng polytechnic thì lương chỉ có giới hạn chừng đó thôi, không thể cao hơn được. Muốn có lương cao hơn, thế là mình quyết định đi học lấy bằng ĐH luôn. Lúc đi làm thì chỉ mình lo làm task, giải quyết vấn đề cho công ty đặt ra thôi đã hết thời gian rồi, cũng chẳng được học bài bản. Thế nên lúc nào mình cũng thấy mình hơi thiếu thiếu cái gì đó, hông hiểu tường tận được bản chất cốt lõi của vấn đề, nói chung là chưa thỏa trí tò mò. Khi được học ĐH rồi thì mình học được những cái fundamental về computer science, mình mới vỡ lẽ ra nhiều thứ “à thì ra nguyên lý nó là như vậy, do X nên dẫn tới Y như thế”, mở mang đầu óc hơn rất nhiều. Tính ra đây là trải nghiệm thú vị, mình qua Sing du học polytechnic hết 3 năm, sau đó đi làm bên này được 2 năm thì bắt đầu vừa làm rồi vừa lấy thêm bằng bachelor ngành Computer Science. Thời gian đó cực, áp lực, nhưng mà đáng.
Mình cũng có thời gian trở lại VN, về Hà Nội làm việc được khoảng 2 năm thì mình thấy chán quá, lại xin việc ở Nhật rồi dẫn vợ con sang đây sống luôn đến giờ. Thời điểm mình đưa vợ con sang Nhật là lúc đó em bé mình mới gần một tuổi, nghĩ lại thì mình thấy biết ơn vợ rất nhiều. Vợ bỏ việc đang ổn định ở VN để theo chồng sang đất nước mới, ở nhà chăm sóc con nhỏ, không nhận được sự hỗ trợ từ bạn bè, ông bà, bà con, hàng xóm như hồi ở VN nữa. Còn chồng thì áp lực môi trường mới, công việc mới, tiếng Nhật thì còn dốt nữa,… Giai đoạn này khá là khó khăn vì vợ chồng ai cũng có áp lực riêng của mình, con thì quá nhỏ, cái gì cũng mới mẻ với cả hai. Nghĩ lại thời điểm này mới qua Nhật làm việc, nếu rớt probation, bị layoff thì không biết đưa vợ con đi đâu luôn. Mình không biết là đây là quyết định liều lĩnh hay là tự tin nữa, mình chỉ biết là mình tin mình làm được công việc này, không bị rớt probation đâu, mình muốn gia đình có môi trường sống tốt hơn nên mình phải làm được công việc này. Mọi chuyện đều sẽ ổn thôi.
Đó là áp lực cuộc sống gia đình thôi, còn áp lực của dev thì khác nữa. Như áp lực trễ deadline, áp lực lúc release lên production rồi thì lại phát hiện có lỗi, ảnh hưởng tới người dùng, peer pressure, sợ bị tụt lại phía sau đàn em,… Đủ thứ hết. Mà nỗi sợ chung của dev hiện giờ chắc là sợ bị layoff nè, đợt này layoff nhiều quá. So với làn sóng layoff ở Mỹ, Âu, Sing thì ở Nhật có vẻ dễ thở hơn, vì ở đây chính phủ Nhật đưa chính sách khiến công ty rất khó sa thải nhân viên. Công ty mình thì cũng chưa thấy ảnh hưởng gì nhiều, nhưng thị trường ngành tech nói chung thì có. Trong khi số lượng open position ít hơn trước, các công ty sa thải hàng loạt, nên nhiều ứng viên cùng nộp vào 1 vị trí hơn, khiến mọi người phải cạnh tranh khốc liệt hơn. Nhưng mà nói chung cái này là cái mình không control được, nên nếu mình xui có bị layoff thì cũng phải đi phỏng vấn chỗ khác, tìm việc mới thôi chứ biết sao giờ hehe.
Mình nghĩ cách khả thi nhất để giảm thiểu rủi ro trong tình hình hiện tại chắc là lo saving cá nhân đi, để lỡ có bị layoff thì còn có tiền mà ăn :))) Just kidding thôi, nhưng thật ra nên có phương án dự phòng như thế.
Thật ra ngành tech cạnh tranh rất khốc liệt, không phải chỉ mỗi gần đây do làn sóng layoff nhiều, mà bản thân công nghệ mới đã liên tục ra mắt, để adapt được với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường thì mình phải trở thành những early adapter thôi. Ví dụ như Vue ra mắt hồi năm 2016 thì 2017 mình đã bắt đầu làm rồi, tương tự với React cũng vậy, khi vừa ra mắt thì mình đã mày mò nó để làm rồi. Cách mình làm là tập trung vào học những cái foundation (như computer science) trước, thì khi học cái khác sẽ dễ hơn rất nhiều, hiểu được sitemap, framework,… Công nghệ 1-2 tháng nên cập nhật lại, như năm ngoái thì người ta nói nhiều về Blockchain, còn năm nay thì AI, LLMs,… Mình update từ các cộng đồng tech, twitter, anh em thân thiết trong ngành ở các công ty khác nhau, mình xem được thông tin nào hay thì tổng hợp vào tech radar, xếp loại công nghệ vào những tiêu chí khác nhau, một số loại nên để trong radar để biết và đọc lại sau này.
Về technical thì mình nghĩ là mình nên biết và nắm rõ về cái tầng abstraction ở ngay dưới cái code của mình, biết càng rõ càng tốt. Có nhiều bạn mới làm chỉ biết dùng library với framework chẳng hạn, đến lúc những cái đó có lỗi hay hoạt động không đúng ý mình là stuck ngay. Ví dụ mình làm web dùng Vue chẳng hạn, thì mình biết khá rõ Vue hoạt động thế nào, cả về internally. Mình cũng phải nắm được browser nó render cái web như thế nào, network nó chuyển data qua lại cho cái web của mình ra sao. Nói tóm lại đó là bí quyết để cuộc sống dev của mình trở nên dễ dàng hơn đó 😀