“Giờ nhìn lại thì mình nghĩ chuyện nghề nghiệp như đi trên một con đường. Chúng ta có cái đích muốn tới, và đang phải tìm đường để đi tới đó. Nhưng cuộc đời đâu có đơn giản như lên google maps nhập điểm đầu, điểm cuối là ra đường đâu…”
Anh Chân Lê - Engineer Manager at Truera (Ex Snap, Meta & Asana)
“Để mở đầu câu chuyện thì một fun fact của mình là rớt Đại học ở Việt Nam ^^. Hồi đó mình học chuyên Tin ở cấp 2 và cấp 3, nằm trong đội tuyển này nọ nên cũng hơi chảnh tí. Năm lớp 12, mình rớt kì thi quốc gia, rồi đi thi Đại học cho má vui, cũng rớt luôn 😆. Đường đời đưa đẩy sao đó nên mình sang Hàn Quốc học ở KAIST (Korea Advanced Institute of Science & Technology). Thật sự mà nói, đây là quyết định mình khá tiếc cho tới bây giờ. Nếu được thì mình ước ở lại Việt Nam một đến hai năm, sau đó sang Mỹ học. Tất nhiên Hàn Quốc là một nơi rất tốt để học, và cũng là nơi cho mình nhiều kiến thức bổ ích về chuyên ngành. Tuy nhiên nếu học ở Mỹ, thì con đường sự nghiệp của mình có thể đã dễ dàng hơn nhiều.
Tại sao mình tiếc? Chắc là do trải nghiệm học và sống ở Hàn không được vui lắm. Social life, bạn bè, ngôn ngữ, nói chung là mọi thứ ngoài việc học và “đẹp”, đều không hợp. Văn hoá tầng lớp, tuổi tác, ai lớn hơn thì được tôn trọng hơn,… khá là khó chịu với mình. Đó là cái cảm giác phải cố gắng hoà hợp với những thứ mình không ưa nổi. Hơn nữa, mình rất thích khám phá nhiều thứ, gặp người này người kia, làm side projects, làm kinh doanh, … Nhưng Hàn Quốc lại không cho mình nhiều cơ hội như vậy. Hàn Quốc có thể là nơi tuyệt vời để phát triển mảng học thuật, nhưng có vẻ sẽ kìm hãm cơ hội phát triển bản thân cho những người ưa tự do.
Từ lúc còn đi học thì mình đã là một người rất tham vọng, muốn thử, muốn làm nhiều thứ trong cuộc đời. Đó là lý do mình luôn khuyên các bạn thử nhiều lúc còn học Đại học. Đó là khoảng thời gian lý tưởng, mình có internship, có nghỉ hè, nghỉ đông mà. Bản thân mình cũng tập tành đi làm PM, Researcher, Startups, Designer (well, và nó rất tệ),… Thậm chí lúc học Đại học xong, mình còn máu me nghiên cứu lắm. Tính đi học luôn Master, PhD các kiểu. Tháng đầu tiên sau khi tốt nghiệp, mình đăng kí làm Research cho một cái Lab kia. Nguyên một tháng mùa đông lạnh lẽo, mình cứ 9 giờ sáng đi, 9 giờ tối về.
Cái tự nhiên nhìn ra cửa sổ thấy tuyết rơi: “Trời đất ơi hổng lẽ cuộc đời mình 7 năm tiếp theo nó như vầy sao?”
Cuối cùng mình quay lại với thứ hợp với mình nhất, một anh software engineer.
Bây giờ nếu hỏi mình bằng cấp có quan trọng trong lúc đi làm không, thì chắc chắn mình sẽ bảo không. Mình có internship ở Mỹ là do trước đó có các kinh nghiệm khác. Thế nên, mình cực kì tin vào việc học Đại học, hoặc việc đi học nói chung, nó không quá quan trọng như mình thường nghĩ. Bằng chứng là có luôn các bạn cấp 3 đi intern cùng khoá với mình ở Facebook. Đơn giản là người ta có skill, và có hướng đi phù hợp. Còn về kinh nghiệm thì nó muôn hình vạn trạng lắm. Một phần mình thử nhiều nên mỗi thứ mới lạ sẽ thúc đẩy bản thân thêm một tí. Và nếu nhìn lại thì tất cả đều giúp mình có kinh nghiệm đa dạng hơn, đi được xa hơn. Chẳng hạn như từ một công việc với mức lương 1 triệu/ tháng ở Việt Nam, rồi mình mới xin được research internship ở Hàn Quốc, từ đó mới kiếm được cái internship trong ngành ở Ấn Độ. Rồi từ những trải nghiệm đó thì kiếm được internship đầu tiên ở Mỹ.
Nói tới cái internship đầu tiên ở Mỹ thì cũng có vài chuyện vui. Hồi đó mình đi phỏng vấn full-time cơ. Sau cả ngày trời ngồi implement hết BST, tới BFS DFS các kiểu, ai cũng có kết quả hết rồi, mỗi mình có thêm extra 1 vòng với Recruiter. Thế mà đi ra đi vô rồi cuối cùng vẫn “mày rất tốt nhưng tao rất tiếc”! Tính đi về nhà luôn rồi mà nghĩ lại mình không có gì để mất, đây có lẽ là cơ hội duy nhất để mình được làm việc ở Mỹ thời điểm đó, và chắc hẳn mình cũng được cân nhắc dữ lắm vì có thêm 1 vòng. Thế là mình quay lại, xin một chân internship thay vì full-time. Tất nhiên người phỏng vấn đứng ngẩn ra, chắc là chưa gặp ai “mặt dày” như này. Họ lại hội ý và tada, mình có cái internship đầu tiên ở Mỹ. Điều dẫn tới rất nhiều cơ hội và những người thú vị mình gặp sau này.
Từ câu chuyện trên thì mình chỉ muốn nói là, cần gì thì cứ hỏi! Sẽ có nhiều người muốn giúp bạn, đặc biệt là khi bạn đặt rất nhiều nỗ lực vào đó. Tương tự như việc mình đầu tư bất động sản, thích cái nhà kia quá, hỏi người ta có bán không. Cái họ bán thiệt ^^. Hoặc là việc mình có bạn gái, rồi sau này thành vợ cũng vậy. Chỉ đơn giản là nói lên cái mong muốn của mình. Thế mà nhiều người họ lại không dám hỏi cho cái họ muốn. Họ sợ nhiều cái linh tinh lắm, sợ hỏi kì quá, sợ người ta đánh giá bla bla. Bản thân mình thì thấy bình thường, hỏi cái mình muốn, người ta không cho thì thôi 😄. Mình coi đây như là superpower duy nhất của mình, từ đó mà đạt được nhiều thứ.
Giờ nhìn lại thì mình nghĩ chuyện nghề nghiệp như đi trên một con đường. Chúng ta có cái đích muốn tới, và đang phải tìm đường để đi tới đó. Nhưng cuộc đời đâu có đơn giản như lên google maps nhập điểm đầu, điểm cuối là ra đường đâu. Nhiều người có chung cái đích, ai cũng muốn đi tới đó, và hầu như họ chỉ chăm chăm nhìn vào cái đường bự nhất. Chẳng hạn như muốn tới Thảo Cầm Viên thì nghĩ ngay tới đi Lê Duẩn. Đâm ra cái ọt là tới. Ít người nghĩ tới việc đi Nguyễn Bỉnh Khiêm để ra cổng sau, hoặc là vô cái nhà gần đó, leo lên mái rồi chui qua ^^. Nó tương tự như việc mọi người nghĩ muốn làm ở FAANG thì phải đi du học Mỹ, lấy bằng ở đó. Cái yêu cầu công việc không hề ghi như vậy luôn. Có thể nó dễ đi hơn, nhưng chắc chắn không phải là con đường duy nhất.
Từ tất cả những chuyện trên, mọi người nghĩ mình sẽ sống chết với nghề tới cuối đời phải không? Không nha! Nhiều bạn luôn muốn gắn bản thân với một danh tính nhất định, học trường này, giỏi cái nọ, đạt thành tích kia. Mình thì chỉ muốn là mình thôi, một con người bình thường. Chân không gắn với tech, chỉ là ngành này vô tình hợp với mình, và đã gắn bó được 14 năm. Mình và tech có thể đồng hành với nhau trong một khoảng thời gian khi cả hai bên còn kết nối được. Một ngày nào đó, có thể mình sẽ rời bỏ để làm sang ngành khác mình thấy thú vị. Chẳng hạn như đầu tư bất động sản, hay làm một ông bố toàn thời gian ^^. À mình không có ý khuyên mấy đứa bỏ nghề đâu nha. Nếu đã chọn ngành công nghệ thì cứ tập trung vào đó. Tuy nhiên, đừng quên mất bức tranh lớn hơn là nó cũng chỉ là thứ đi cùng mình trong một quãng thời gian, hoặc tới hết đời nếu bạn vẫn còn thấy thích thú tới lúc đó. Không nên, và cũng không cần thiết phải gắn chặt bản thân vào cái gì cả.”