“Nhìn lại thì cuộc đời mình không có gì ngoài thất bại. Mình thất bại nhiều, và lúc đầu sẽ mệt lắm chứ. Nhưng khi tới lúc không thể mệt nổi nữa thì sẽ thấy đó là những trải nghiệm đáng giá. Ngay cả việc mình đi bán cá cũng vậy. Không việc gì phải xoắn cả. Mọi thứ sẽ tốt lên thôi!”
Đạt Đỗ - Software Development Engineer at Amazon
“Okay, có thể khởi đầu bằng việc mình đến từ “nhà có điều kiện”. Hồi đó bố mẹ mình làm ăn khá lắm, đủ khả năng cho mình đi du học từ năm lớp 10. Rồi trong lúc chọn trường Đại học ở năm cuối cấp phổ thông, tầm 2014, gia đình mình phá sản 😐. Bố mẹ thì muốn 2 chị em mình (chị mình cũng đang học ở Mỹ) về Việt Nam. Nhưng sau khi hai chị em nói chuyện thì cả hai quyết định sẽ tìm đường ở lại Mỹ, vì ở đây (như người ta đồn) có nhiều cơ hội hơn, và về Việt Nam cũng không giúp được gì. Tiếp đến là một chuỗi quyết định thay đổi cuộc đời mình: Chọn trường Đại học rẻ nhất, có nhiều học bổng nhất, và làm thêm 4 công việc part-time cùng một lúc. Mình sẽ nói kĩ hơn phần này ở bên dưới.
Trường mình chọn là Wentworth Institute of Technology, chuyên ngành CNTT vì từ nhỏ mình đã thích công nghệ và máy móc. Mình nhớ hồi năm lớp 3, bố mẹ đưa mình đi hội chợ chơi. Trong khi mấy đứa con nít khác thích trò chơi thì mình lại để ý những cái đèn chớp tắt chớp tắt, rồi muốn biết người ta làm thế nào. Lớn hơn một tí mình thích chơi game. Năm lớp 8, trò mình hay chơi là Street Fighters, nhưng chơi thua hoài. Tức quá mình mở folder trò chơi ra xem thử có chỉnh sửa được gì để thắng không. Đó là lần đầu mình mod game. Và thắng. Thật sự mình rất thích quá trình “mổ xẻ” thứ này thứ kia, và bắt đầu mày mò side projects từ nền tảng đó. Một điều tình cờ là năm đó ở trường cũng bắt đầu dạy Pascal trong môn Tin học. Nên well, mọi thứ đến rất tự nhiên! Tất nhiên với một gia đình làm ăn kinh tế thì cả nhà muốn mình nối nghiệp kinh doanh. Nhưng tuổi nổi loạn mà, mình đi theo ngành mình thích thú thôi ^^. Sau này nghĩ lại mình thấy đó là quyết định đúng.
Quãng thời gian Đại học khá là đáng nhớ đối với mình. Trong cái rủi cũng có cái may, nhờ khó khăn về tài chính mà mình mới bắt đầu học được kĩ năng sinh tồn. Như có kể ở trên là mình làm tới tận 4 công việc bán thời gian khác để có tiền sinh hoạt và học phí, bao gồm đi bán cá, làm gia sư, sửa máy in và làm web. Mình có tiền sử bị co giật nên phải ngủ đủ 8 tiếng một ngày, thành ra ngoài thời gian ngủ, thời gian còn lại chỉ xoay quanh việc đi học rồi đi làm (và ăn luôn trong thời gian đó). Việc học thì mình phân ra 2 loại lớp: một loại phải ngồi tập trung nghe giảng để không phải ôn thi quá nhiều. Loại thứ 2 thì… không thèm quan tâm. Mình cần qua môn là được. Trông vậy mà cũng hiệu quả lắm!
Khi bị dồn tới bước đường cùng thì nhiều khi con người ta sẽ phát huy khả năng “sẵn sàng làm tất cả mọi thứ”. Một ví dụ của mình là để được trả học phí theo từng phần, mình gần như đã bật khóc và xin phòng tài chính của trường. Về lý thì sinh viên quốc tế bị hạn chế rất nhiều trong các khoản vay học phí, thế nên mới đầu các thầy cô cũng bảo không giúp được. Mình mới chân thành, rơm rớm bảo mình rất muốn được ở lại đây. Mình cho họ xem bảng điểm, các dự án mình đang làm, có cái gì mình đưa cái đó ra, để người ta biết mình thực sự có cơ hội phát triển. Chắc có lẽ vì vậy mà họ cho mình ngoại lệ. Lúc nhận được email đồng ý, mình thấy cuộc đời dễ thở hơn vì ít nhất mình đã có thể ở lại.
Sau đó thì mình vẫn tiếp tục cuộc sống như bình thường thôi. Hai năm đầu mình cố gắng đảm bảo hết các mặt, từ điểm số, side projects, thi hackathon,… để bổ sung cho portfolio cá nhân. Học sinh quốc tế mà, phải trội hơn 70% sinh viên của nước họ mới có cơ may xin được internship vào năm 3. Cuối năm 2, mình rải hơn một nghìn đơn, cũng có nhiều công ty lớn nhỏ gọi phỏng vấn. Những buổi phỏng vấn diễn ra thành công tốt đẹp, nhưng cuối cùng tất cả đều từ chối vì họ nói rằng do giấy tờ thủ tục phức tạp. Đó là năm 2016, Trump lên nên thắt chặt hết chính sách đối với người nhập cư. Lúc đó mình thấy cay lắm.
Nhưng may mắn là sau đó Shell liên hệ hỏi mình có muốn thực tập không. Ban đầu mình hơi lưỡng lự vì mình không thích làm dầu khí, nhưng sau buổi phỏng vấn mình đổi ý ngay. Hôm mình đi phỏng vấn, chú Manager đưa cho mình một prototype chạy trên window, trông UI xấu lắm ^^. Mình liền góp ý một số chỗ có thể tối ưu hoá như thế này abc xyz. Thế là ngay hôm sau mình nhận được offer luôn. Không giống với internship ở các công ty khác, chỉ cho thực tập sinh những dự án có scope nhỏ, impact không quá lớn thì ở Shell, mình được đảm nhận một dự án khá lớn và may mắn là sau 3 tháng thì cũng ra ngô ra khoai. Nhờ vậy mình cũng thân hơn với sếp và đồng nghiệp, tình hình tài chính cũng được cải thiện hơn nhiều.
Shell sau đó trở thành công việc full time đầu tiên của mình. Mình thích làm việc ở Shell vì có impact culture, tức là những ứng dụng có xài được không, có giúp được ai không, giúp như thế nào. Teamwork ở Shell cũng rất tốt, mỗi team chỉ có khoảng 4-6 người nhưng đảm nhiệm khoảng một chục dự án cùng lúc, nên mình phải đội nhiều cái mũ, từ QA, Dev-Op tới Front End, Back End, IoT… Nhờ vậy mình học được rất nhiều.
Sau 2 năm ở Shell, bây giờ mình đang dừng chân tại Amazon. Ở đây mình đã có cơ hội được thiết kế và ứng dụng rất nhiều giải pháp với lượng user lên đến hàng triệu người. Ở Shell, các dự án chủ yếu đang trong giai đoạn nghiên cứu và chỉ sử dụng trong nội bộ khoảng vài ngàn người, nhưng những ứng dụng của Amazon lại được hàng triệu người sử dụng trên toàn thế giới, nên đó là động lực để mình gia nhập Amazon. Một lý do nữa là trong lúc phỏng vấn, có người nói mình sẽ được tham gia một dự án tuyệt mật nên mình thích quá, quyết định vào luôn. Đương nhiên, công ty quá lớn thì nhiều lúc sẽ bị chậm vì ảnh hưởng lẫn nhau, và thỉnh thoảng xảy ra drama giữa các Manager nữa.
Giờ ngẫm ra hồi Đại học với bây giờ thì suy nghĩ của mình cũng không khác nhau là bao. Mình sẽ không nhìn vào những khó khăn hiện tại mà sẽ tập trung vào việc trong tương lai mình muốn đạt được cái gì. Thỉnh thoảng mệt quá thì nhìn lại phía sau để thấy được quãng đường mình đã đi. Nhìn lại thì cuộc đời mình không có gì ngoài thất bại. Mình thất bại nhiều, và lúc đầu sẽ mệt lắm chứ. Nhưng khi tới lúc không thể mệt nổi nữa thì sẽ thấy đó là những trải nghiệm đáng giá. Ngay cả việc mình đi bán cá cũng vậy. Không việc gì phải xoắn cả. Mọi thứ sẽ tốt lên thôi!”