#71: Nam Pham

“Việc khó khăn nhất của làm developer ở một công ty product, theo mình nghĩ, đó là có được sự thông cảm từ những team khác. Tại sao sản phẩm cứ suốt ngày lỗi, tại sao ra tính năng chậm thế, bla bla.”

Nam Phạm - Director of Engineering tại Buymed (thuocsi.vn - Health-tech startup vừa huy động thành công vòng series B hơn 50M USD)

Hầu hết startup giai đoạn đầu đều chọn những hạ tầng kĩ thuật vừa đủ để đáp ứng tình hình kinh doanh, vận hành thời điểm đó. Tuy nhiên, khi startup bắt đầu mở rộng, họ phải đứng trước sự lựa chọn: phải dùng gì để hệ thống mạnh hơn, thêm được nhiều chức năng hơn, đáp ứng được nhiều người dùng hơn, … Đó cũng là thời điểm mình được tuyển vào các công ty trước đây, và gần nhất là Thuocsi. Tự nhiên thấy sự xuất hiện của mình ở các công ty có ý nghĩa hẳn ^^

Thời điểm cuối 2020, khi mình gia nhập Thuocsi, hệ thống hầu hết phụ thuộc vào open-source, vừa không đáp ứng về hiệu năng và khả năng chịu tải, vừa rối ren vì team không đủ hiểu về những phần mềm đó. Cuối cùng tụi mình quyết định tự build lại, từ CRM, CS, Marketing, Vận hành, Mua hàng, Giao hàng, … quá trình thay máu đến hiện tại đã tương đối hoàn chỉnh. Việc triển khai một hệ thống mới trong bất kì công ty nào cũng tồn tại nhiều rủi ro. Với hệ thống tự build mới như tụi mình, cái lớn nhất là không chắc phải làm nó như thế nào, không biết có đúng không, hay có đủ xài không. Nhiều khi làm xong, đưa ra cho các bạn vận hành xài, các bạn không chịu, thế là lóc cóc đi làm lại. Rủi ro thứ hai là có rất nhiều lỗi phát sinh. Có QA, kiểm thử đồ đó, nhưng mà không ăn thua. User sử dụng “sáng tạo” lắm, không có như mình muốn đâu. Chẳng hạn như cái ô text box mình để là số điện thoại, cứ nghĩ là người ta nhập số ha, nhưng không, nhiều người vẫn nhập chữ. Đáng lẽ ra QA phải kiểm tất cả những trường hợp như trên, nhưng trong một deadline nhất định, mình chỉ thường test happy case hoặc những trường hợp rủi ro thôi. Bên cạnh đó, performance của hệ thống cũng làm tụi mình mất ăn mất ngủ nhiều lần. Mình đã tự tìm được cách để đẩy nhanh tiến độ, vừa tuyển dụng, vừa build version đầu tiên chạy được cho miền Bắc chỉ trong vỏn vẹn ba tháng rưỡi.

May mắn cho team tụi mình là được tất cả các phòng ban hiểu được những gì đang diễn ra. Tự build hệ thống trong nhà thì chắc chắn sẽ xảy ra lỗi. Khi làm startup, mình không thể nào chờ mọi thứ thật hoàn hảo rồi mới release được. Việc chính user là người dùng thử và feedback cũng đáng giá hơn nhiều so với việc trong team tự ngồi kiểm thử. Tốc độ là thứ cực kì quan trọng. Chỉ cần chậm một chút thôi, công ty có thể mất thời điểm vàng để ra mắt thị trường. Thế nên mọi người luôn trong tâm thế sẽ phải đánh đổi cho việc này.

Nói tới việc đánh đổi mình lại nhớ tới trường hợp làm hệ thống mua hàng cho khách hàng. Thường chức năng chính deploy lên chạy ổn là mừng lắm rồi ha. Thời gian, chi phí, và sức người không cho phép mình bỏ ra cho những case quá ngặt nghèo. Mặc dù về mặt kỹ thuật, những vấn đề này hoàn toàn có thể làm được. Chẳng hạn như khi nhân viên nội bộ đang cập nhật giá mới cho sản phẩm, cùng lúc, hoặc trong một tích tắc 0.5 đến 1 giây thôi, có khách hàng đặt mua món đó. Chuyện thật luôn là có khách bỏ sản phẩm năm chục ngàn vô giỏ hàng, thanh toán xong đến khi quay lại đơn hàng thấy bảy chục ngàn, cái gọi điện lên la um xùm luôn. Mà hồi xưa thôi, chứ giờ hết xảy ra rồi ^^

Việc khó khăn nhất của làm dev ở một công ty product, theo mình nghĩ, đó là có được sự thông cảm từ những team khác. Tại sao dev cứ suốt ngày lỗi, tại sao ra tính năng chậm thế, bla bla. Về mặt kỹ thuật, chỉ khi mình không cập nhật, không làm thêm gì nữa, maintain thôi thì mới không xảy ra lỗi. Còn phải liên tục build như tụi mình, team chỉ có thể cố gắng hết mức để không gây tắc đường cho những team khác. Tất nhiên, mình không hi vọng mọi người dĩ hoà vi quý, nhắm mắt cho qua. Khi mọi người report, “càm ràm”, dev sẽ có thêm động lực để fix và support. Cái mình mong là những team khác có thể linh động xử lý để tránh ảnh hưởng đến mục tiêu chung. Mình luôn nói với các bạn ứng viên là mục tiêu của công ty sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến áp lực công việc của mỗi người. Công ty đặt KPI tăng trưởng 5%/ năm thì kiểu gì mọi người cũng hoà nhã, không phải tăng ca, dễ thông cảm cho nhau. Môi trường startup đâu thể vậy được! Tụi mình luôn trong trạng thái phải sinh tồn.

Góp phần build công ty thành công cũng chính là mục tiêu đi làm của mình, chứ không phải build sản phẩm tech. Đối với mình kỹ thuật chỉ là một phần để giúp công ty phát triển được. Dùng stack gì cùi bắp cùi mía cũng được, công ty x5 x10 doanh thu lợi nhuận là được. Và như chuyện con gà quả trứng, nếu mình không nghĩ công ty này cũng là của mình, thì không ai giao cho những việc quan trọng hết. Vậy nên khi tuyển bạn mới vào team, mình sẽ ngả bài luôn là ở đây như thế này thế kia, bạn thấy hợp thì vào, không thì đừng. Thường thì tầm 1/3 các bạn ứng viên từ chối offer, nhưng những người đồng ý, họ sẽ cực kì gắn bó. Còn đối với việc sa thải, trước đây mình cảm thấy rất khó khăn và áy náy. Tuy nhiên, gần đây mình đã nhận ra rằng sa thải chính là việc mình cho họ cơ hội làm những công việc, công ty khác phù hợp với họ hơn, khiến họ vui vẻ hơn, lương thưởng phúc lợi (thường là) cao hơn. Xem ra cũng chẳng phải là chuyện không tốt gì cả.

Techie Story is a digital magazine about inspiring tech people who have contributed continuously to Science, Technology, and Innovation. Please contact us at team@techiestory.net if you want to contribute your inspiring story.
Techie Story

More Stories

86-huy-dang's post thumbnail
60-nicole's post thumbnail
55-raven-hoang-p1's post thumbnail
69-xuan-luong's post thumbnail
78-huu-thanh's post thumbnail
48-le-van-minh's post thumbnail