Chien Mai
Anh chọn làm kĩ sư phần mềm bởi vì anh không muốn cuộc đời anh bị lập trình sẵn.
Mọi người luôn nghĩ ngành lập trình viên là một ngành việc khá là dễ chịu, chỉ cần ngồi máy tính 8 tiếng trong phòng máy lạnh rồi nhận lương nghìn đô. Nhưng thực sự ngành nghề nào cũng có nỗi khổ và những khó khăn nhất định của ngành nghề ấy. Riêng anh, anh nghĩ khó khăn nhất là khi mình phải vượt qua sự yếu kém của bản thân, để có thể hiểu sâu vào những kiến thức của lập trình. Gần như 3 năm anh học đại học (viễn thông), anh thường chơi game là chính. Lúc đó anh khá là nản vì khái niệm về lập trình đối với mình trông nó xa vời lắm. Sau đó, anh phải mất gần nửa năm liền tạm gác việc học trên trường lại để đi tới các công ty thực tập. Về sau, gần như anh mở mang khá nhiều về cái được gọi là lập trình, công nghệ và kéo gần khoảng cách với những cái anh từng nghĩ quá cao siêu. Nó giống như một bức tường, một bức tường như khi mình chạy điền kinh vậy. Em phải vượt qua được bức tường đó thì em mới có thể tiến lên phía trước, còn không thì em sẽ bị chậm lại và sẽ bị bỏ lại phía sau.
Anh khá may mắn trong điểm khởi đầu của mình. Một trong những dự án đầu tiên là IOT Platform và anh được làm nhiều vị trí cùng một lúc. Sau đó, VNPT bắt đầu mở rộng sang mảng mobile, anh cũng được tham gia làm React Native. Nó thật sự là một thử thách lớn với bản thân anh. Nhưng cũng coi như là cơ hội để khẳng định vị trí của mình trong công ty. Thoạt đầu thì nó là một chướng ngại vật, nhưng sau cùng thì nó trở thành một cột mốc đánh giá sự phát triển của anh. Chính nó cũng làm cho anh tổn hao sức khỏe không ít, nhưng bù lại nó cũng khẳng định giá trị của anh tại một công ty tập đoàn lớn. Sau khi bị quá tải, anh rời đi và cũng bắt đầu học được cách phân chia công việc cho hợp lí, dành nhiều thời gian để chăm sóc bản thân và cách cân bằng giữa cuộc sống và công việc rồi.
Anh từng quản lý một team 30 người và là một leader nóng tính. Anh đã phải cố gắng rất nhiều để tìm ra thế mạnh và giá trị của mỗi bạn. Có cách này nè: tạo ra các project nhỏ nhỏ và luyện cho các bạn tính tự giác. Dần dần, anh cũng biết cách hài hòa giữa chất lượng, tiến độ của công việc và quan hệ giữa các thành viên trong team. Anh nhận ra làm leader là người phải biết tạo động lực và lắng nghe, phải học cách giải thích và tha thứ.
Trong 2 tháng đầu làm việc với khách hàng, hệ thống vẫn gặp trục trặc về code cũ. Nó shut down và tụi anh phải dành nhiều thời gian fix bug. Nhiều người yêu cầu OT bonus, anh thì thôi vì anh nghĩ đó là việc mình phải làm, làm cho mọi thứ hoạt động bình thường. Để xây dựng lòng tin với khách hàng, trước hết, mình phải cho họ thấy mình làm được gì đã. Chúng ta có khả năng để làm và sẳn sàng làm. Chúng ta coi product đó là chính “đứa con” của mình cũng là cho họ thấy mình có cùng tầm nhìn với họ.