#77: Huy Tran

“Trải nghiệm 4 lần “ra ngoài đường” ở Silicon Valley”

Huy Trần - Senior Software Engineer at Navan US; blogger at The Notorious Snacky

“Đang yên đang lành, đi Mỹ làm gì?” - Đó là câu hỏi mà chính bản thân mình cũng tự hỏi khi mình chuyển sang Mỹ định cư cùng gia đình vào năm 2015. Lúc đó mình đang làm công việc đúng mơ ước với mức lương khá khẩm, dự định cuối năm thì lấy vợ. Xong làm gì nữa? Xây nhà, mua xe hơi, tận hưởng cuộc sống vui thú điền viên vào tuổi 26 chứ sao. Mọi thứ dường như đi vào quỹ đạo, đúng chuẩn cuộc sống lý tưởng của các anh em.

Nhưng khi gia đình được bảo lãnh sang Mỹ thì mình nghĩ đây là cơ hội, thử thôi. Mình tranh thủ những ngày cuối cùng ở Việt Nam nộp đơn một vài công ty tech ở Mỹ. Lúc đó mình nộp đơn xin việc cho các công ty ở Mỹ cũng nhiều đó, nhưng do profile của mình hoàn toàn kinh nghiệm ở Việt Nam nên hầu như các công ty chẳng liên lạc lại gì hết. Mình vẫn nhớ lúc đó là 4h00 sáng giờ Việt Nam, bạn HR gọi điện mình xin lịch hẹn phỏng vấn vòng 1, lúc đó tỉnh ngủ luôn. Sau đó vì có khá nhiều ứng viên chờ nên công ty bảo sẽ hẹn mình phản hồi lại sau cho vòng 2, mà chờ mãi chẳng thấy đâu. Suốt hai tuần sau khi mình đã đặt chân tại nước Mỹ, mình tiếp tục hành trình rải đơn xin việc cho hơn 60 công ty ở Mỹ. Lúc đó mình nói gì người ta không hiểu, mà họ nói thì mình cũng không hiểu luôn. Cộng thêm việc chưa đủ giấy tờ cần thiết để đi làm nữa, nên công ty tưởng mình là khách du lịch, và thế là, mình rớt gần hết. Nản thực sự.

Khoảnh khắc mà mình thấy tuyệt vọng vô cùng, nghĩ chắc phải chấp nhận từ bỏ công việc mình mơ ước luôn rồi, thì lúc này công ty biệt tăm khi phỏng vấn vòng 1 tại Việt Nam đã gửi phỏng vấn vòng 2 cho mình. Vòng phỏng vấn technical và vòng đàm phán lương khá là suôn sẻ. Không ngờ rằng ước mơ trở thành một software engineer tại Silicon Valley - điều mà mình từng nghĩ là viển vông - đã trở thành hiện thực. Má ơi nó vui.

Công việc đầu tiên mình đảm nhận trên đất Mỹ là vị trí FE ở khu down town San Jose. Ban đầu, mình không hiểu working style ở Mỹ, cũng không rõ mức độ kỳ vọng của sếp, đi làm rất thoải mái. Thoải mái quá nên mình chủ quan nữa, cùng với “sự tận dụng” quá nhiều quyền lợi như unlimited vacation (nghỉ không giới hạn) nên sau một thời gian mình đã được sếp mời “nghỉ việc”. Đây là lúc mình nhận ra cái mà người ta nói về "hire fast fire fast", nghĩa là ở đây không có chỗ cho những thành phần dư thừa, không đem lại lợi ích gì cho tập thể. Ở Mỹ khác với ở Việt Nam, chẳng ai đốc thúc mình làm việc, giao deadline hay task gì hết, mà mọi người phải tự chủ động để làm hết mọi thứ. Và khi minh hiểu ra được bài học ấy, mình phải đứng lên làm lại từ đầu sau “cú shock đầu đời”.

Tháng 3 2016, công việc thứ hai tới với mình khá là nhanh chóng, một công ty ở Fremont. Tuy nhiên sau một thời gian đi làm, mình cảm thấy môi trường ở đây rất tẻ nhạt, phải chịu cảnh đến sớm về khuya và bị sếp theo dõi liên tục rằng đã hoàn thiện dự án hay chưa. Mình đã phải vừa làm FE, vừa làm mobile, do sếp không tuyển thêm sau khi đồng nghiệp làm mobile nghỉ việc. Vị sếp này có cách làm việc độc lạ lắm, 5-6h chiều sếp về nhà, 8h tối sếp lại lên công ty kiểm tra xem engineers còn ở lại làm việc không. Nên ai trong công ty mình cũng OT không lương đến tận khuya mới về, mà mình nghĩ đây là điều bình thường nha. Sau những lần bị sếp hù dọa rằng phải làm nhiều hơn, kể cả đi làm vào chủ nhật, cuối cùng mình đã đưa đến một quyết định khá khó khăn - nghỉ việc tại thời điểm còn 1 tháng nữa là con trai mình ra đời. Lúc này mình cưới vợ rồi, nhưng chưa bảo lãnh vợ sang Mỹ. Trước khi về Việt Nam thăm con, mình đã kịp tìm được công việc mới, ký hợp đồng với một công ty startup CareSkore ở Mountain View, với mức lương 6 chữ số.

Sau gần một năm làm việc tại đây, mọi thứ đều hết chỗ chê, lương cao, công việc thú vị, xung quanh toàn là bạn tốt. Chuyện chẳng có gì đáng nói cho đến cuối 2017, công ty thông báo chỉ còn tiền mặt trong 30 ngày và một loạt sự thay đổi từ phía quản lý. Đến lúc đó thì tất cả mọi người đều biết công ty đó coi như xong rồi. Những ngày sau đó là chuỗi ngày làm remote không biết bao giờ mới được trả lương, khi mà tiền trong tài khoản càng lúc càng vơi dần. Mình cũng làm không lương ở đây hơn 3 tháng vì mình cũng hi vọng nhiều công ty sẽ hồi phục lại như cũ. Đến khi không chịu nổi nữa thì mình đã đưa ra bước đi mới - nộp đơn cho vị trí senior, ổn định sự nghiệp, tránh xa các công ty startup mới dưới ba năm hoạt động.

Quá trình này không hề dễ dàng, đặc biệt khi tham gia vào tuyển dụng tại các công ty lớn, nơi mà cạnh tranh cực kỳ gắt gao. Khoảnh khắc ấy mình đã kiên trì nộp đơn hàng loạt, phỏng vấn liên tục 4-5 công ty mỗi ngày, số lần từ chối còn nhiều hơn số lần nộp phỏng vấn. Cho đến giữa tháng 2 năm 2018 thì mọi nỗ lực đều được đền đáp. Mình gia nhập công ty tiếp theo là Loop Commerce. Sau khi đi làm được ba tuần, mình nhận được tin công ty đã được ngân hàng Synchrony Bank mua lại. Mình cũng được chia một số tiền, nhờ số tiền đó mà mình mua được căn nhà đầu tiên ở Mỹ. Tuy nhiên, sau ba năm làm việc, mình chỉ nhận được 50% tổng số tiền ban đầu công ty đã hứa hẹn vì doanh thu không đạt kết quả như dự kiến do dịch COVID-19. Mối tình với công ty thứ 3 của mình tại Mỹ cũng kết thúc.

2021, mình mới phỏng vấn tiếp công ty tiếp theo, cũng là công ty hiện tại mình đang làm, TripActions, ở trung tâm Silicon Valley rồi. Làm được tầm 1 năm thì công ty có một dự án cần mảng BE, mình cũng quan tâm đến BE nữa nên là sếp cho cơ hội để thử, trước đó ở Vietnam mình có biết chút ít về mảng này rồi. Dần dần đầu 2023 mình chuyển qua làm BE cho đến bây giờ. Động lực to lớn nhất khi mình chuyển từ FE sang BE đó là khi mình nhận ra dù là Senior FE ở Mỹ thì mức lương cũng chỉ tới được một mức nhất định nào đó chứ nó không lên quá cao được so với BE (Trừ khi thiệt xịn như Chau Tran).

Ở Mỹ, nếu bạn không làm việc cho những tập đoàn công nghệ lớn như Google, Meta, và các tên tuổi nổi tiếng khác, thì thường các công ty startup thường chia rõ thành hai vai trò FE và BE. Mình thấy là ít công ty tuyển full-stack vì tính chất cũng như lượng công việc chuyên biệt giữa từng vai trò. Vì vậy, khi bạn tham gia phỏng vấn hoặc chuẩn bị các cuộc phỏng vấn, bạn nên tập trung vào một vai trò cụ thể. Tuy nhiên, khi bạn đã bắt đầu làm việc thì không nên giới hạn bản thân trong một vai trò cố định, cứ mở rộng kiến thức và kỹ năng của mình để hiểu sâu hơn về sản phẩm cả ở mặt FE và BE. Việc này sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn diện hơn về sản phẩm, từ đó làm việc hiệu quả hơn trong các dự án.

Sau 8 năm kể từ khi bước chân vào Mỹ, mình đã trải qua mọi hình thức khởi nghiệp của các công ty tech. Từ việc bị mời “nghỉ việc” đến công ty phá sản, và đến cả việc công ty được mua lại, được chia cổ phần. Từ làm cho các công ty ở rìa Silicon Valley đến các công ty trung tâm tại thung lũng này. Mình rút ra được rằng, mọi lời khuyên, mọi sự ngăn cản, mọi sự định hướng đều chỉ mang tính tham khảo. Bạn ở đâu, bạn làm gì, bạn là ai và sẽ là ai, đều là quyết định của bạn. Vì thế nên bạn cứ tin vào bản thân mình và cố gắng hết sức là được!

Techie Story is a digital magazine about inspiring tech people who have contributed continuously to Science, Technology, and Innovation. Please contact us at team@techiestory.net if you want to contribute your inspiring story.
Techie Story

More Stories

23-huy-tieu's post thumbnail
29-tony-dinh's post thumbnail
20-lam-do's post thumbnail
07-chien-mai's post thumbnail
16-loc-nguyen's post thumbnail
75-tuan-vu's post thumbnail