“Ai cũng có thể sai, mình làm sai lần này, lần sau vẫn tiếp tục, sai lầm cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, rõ ràng đấy là điều không thể tha thứ.”
Kiên Nguyễn - Director of Engineering at Locofy.ai, ex-Head of Engineering at Tiki
Nói mình là con nhà nòi cũng đúng. Từ lúc học cấp 1 đến cấp 3, lúc nào mình cũng đứng nhất, tham gia giải toán của tạp chí Toán học tuổi trẻ, thi học sinh giỏi tỉnh, nằm trong đội tuyển quốc gia. Cơ bản, mình luôn có suy nghĩ mình phải là số một và làm sao push bản thân mình cố gắng trở thành người giỏi nhất có thể. Vào đại học, thay đổi sang môi trường cởi mở hơn, tự nhiên không còn các cuộc thi để cạnh tranh nhau nữa, mình hoàn toàn mất phương hướng, không biết làm gì với cuộc sống tiếp theo cả.
Thực ra, đến điểm tới hạn khi phải đối diện một vấn đề nào đó, sẽ có 2 lựa chọn, một là than vãn hoặc coi nó là cơ hội để mình làm cho tốt hơn. Rõ ràng suy nghĩ theo hướng thứ 2 thoải mái hơn, mình chọn nó. Sang năm 3, mình ra ngoài đi làm thêm, cảm nhận và suy nghĩ về môi trường cạnh tranh, phải so sánh với người khác mới thấy nó hơi sai. Đến khi cái mình muốn mình không có được, mình nhận ra điểm mạnh của bản thân là nhìn thấy suy nghĩ tích cực. Trong những tình huống đó, mình sẽ nhìn nhận lại tại sao bản thân mình lại như vậy, tại sao lại làm những việc đó, cứ nghĩ cho đến khi lý do nó tự nhiên xuất hiện. Nhìn lại thì chưa có giai đoạn nào mình cảm thấy bị sụp đổ cả.
Thời điểm rời quê lên Hà Nội học cấp 3, mình còn nghĩ bây giờ mình học nhiều toán thế này phải làm nghề nào đó để không phí kiến thức, như làm thầy giáo chẳng hạn. Thế hệ 8x hay 9x đời đầu như tụi mình, chuyện chọn ngành đôi khi đó là ăn may. Nhiều ngã rẽ khác xuất hiện, học toán tới một lúc mình không nhìn thấy ứng dụng trực tiếp của nó sau này, mình quyết định đi theo ngành CNTT, với hy vọng có thể làm được nhiều thứ hơn giúp các thế hệ sau. Thực tế, kể cả khi học xong 4 năm đại học, bảo mình làm gì tiếp theo mình còn không biết nữa mà 😄.
Hai năm sau khi tốt nghiệp đại học, mình chọn đi làm ở những công ty trả lương cao. May là thời điểm đó mình gặp được bác giám đốc rất tốt, đưa mình sang Nhật làm nghề. Đó là lần đầu tiên mình sang nước ngoài. Tuy nhiên, sau 2 năm mình biết làm outsource không phải dành cho mình. Rời Nhật Bản quay về lại Việt Nam, mình di cư từ Hà Nội vào Sài Gòn, lựa chọn làm backend dev cho startup. Mình sẽ tự cho mình là kỹ sư làm sản phẩm. Trong lúc làm, cái gì mình cũng làm hết, thấy vấn đề thì lao vào giải quyết, không than vãn. Ngược lai, đôi khi mình sẽ không biết sâu vào một lĩnh vực nhất định, mình vẫn sẽ cần những bạn chuyên gia giúp mình. Ai cũng vậy, nên biết giới hạn của mình. Khi cần điều gì sâu sắc hơn, hãy đi hỏi mọi người.
Nhìn lại, nhớ thời điểm khó khăn nhất của mình khi còn ở Tiki, nửa sau năm 2021, khoảng 10 bạn năm nhất, năm hai sau khi tốt nghiệp đại học do team mình đào tạo nghỉ một loạt. Team khoảng hơn 20 bạn engineer bao gồm hơn 10 bạn trong đội core. Mình không đánh giá chuyện đó sai. Cá nhân phát triển nhưng công ty không phát triển kịp cùng mức độ thì các bạn đi tìm công việc mới. Mình quay về tự vấn bản thân, có phải mình là làm gì sai không, có phải mình làm leader chưa đủ tốt không, có điều gì đó khiến mọi người không tin tưởng mình. Cả team cùng nhìn nhận lại vấn đề, từ manager đến dev. Tất cả mọi vấn đề đều là cơ hội để học. Ai cũng có thể sai, mình làm sai lần này, lần sau vẫn tiếp tục, sai lầm cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, rõ ràng đấy là điều không thể tha thứ.
Team bắt đầu gầy dựng lại, cốt lõi vẫn quay ngược trở về người làm lead. Các bạn ở lại với mình thì các bạn được gì. Câu chuyện về tài chính, bọn mình không thể control được rồi, mình không đáp ứng được mình phải chấp nhận. Ngược lại, cái gì mình làm được là đưa những bài toán thử thách, để các bạn grow về mặt skill, khả năng teamwork, lãnh đạo. Dù các bạn ở lại hay nghỉ việc, mình phải training cho các bạn phát triển hơn nữa. Chỉ có cách đấy mọi người vẫn gắn bó với mình thôi. Ngoài ra, khi làm chương trình đào tạo intern, sau thời gian dài mình nhận ra, một bạn nhạy bén và tinh ý, có tinh thần làm việc cao, thì dù đang là sinh viên bạn ấy vẫn sẽ làm tốt. Còn nếu một người không có sự chủ động và trách nhiệm đối với công việc, dẫu đã có nhiều năm kinh nghiệm đi chăng nữa, khả năng tiến xa hơn trong nghề cũng không cao.
Giai đoạn mình còn ở Tiki là giai đoạn thử thách nhất rơi đúng thời điểm gầy dựng team, xây dựng văn hoá. Sau khi mình đi qua đoạn đó rồi, mọi thứ khác nó dễ dàng hơn nhiều. Mình vẫn nói với các bạn rằng làm sao áp dụng những thứ mình học để làm cho business, cho team tốt hơn. Đối với team Locofy tất nhiên vẫn còn thử thách, mọi người rất quan tâm đến con đường để tất cả trở thành builder. Do vậy, không phải vì mình là Head of engineering nên chỉ tay giao việc, giao task cho các bạn. Mình phải cho mọi người trong team thấy những thứ mình đã làm được, show cách làm của mình thì các bạn mới thuyết phục hơn chuyện tôi cứ chỉ đạo bạn làm, như thế không hay lắm.
Nhìn lại thời mình so với các bạn GenZ bây giờ, các bạn quá nhạy bén. Các bạn sinh ra vào thời đại phát triển và thay đổi nhanh, và khi đặc điểm dễ nhìn thấy nhất khi mình đi nhanh quá là dễ mất kiên nhẫn. Mình nghĩ chỉ cần dung hoà hai thứ đấy lại với nhau các bạn đã nắm nhiều lợi thế trong tay rồi. Ví dụ vui, người ta bảo genZ có tinder, hồi mình quen được vợ mình bây giờ phải tận dụng API của Facebook, để tìm những người có đặc điểm mình muốn. Tính của mình không phải thích đi connect với quá nhiều người, mãi không có bạn gái, xin thừa nhận với mọi người mình thuộc tuýp dậy thì muộn =)). Đến lúc nhận ra, xung quanh mình toàn những thằng bạn cũng như mình, trong môi trường công nghệ thông tin hầu như đều nhìn máy tính cả. Nhờ việc tận dụng API đó mình tìm hiểu, gặp vợ, và gắn bó với nhau đến bây giờ.